(0262) 3832809
(0262) 3862194

NGUỒN GỐC, LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CÂY CÀ PHÊ

23/03/2018

NGUỒN GỐC, LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CÂY CÀ PHÊ

TS.Trần Vinh

       Ngày nay có hàng trăm triệu người trên thế giới uống cà phê, riêng người Mỹ uống khoảng 430 triệu ly mỗi ngày. Các loại cà phê quan trọng có tính thương mại, cả hai đều có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Phi, hiện đã được trồng ở 80 quốc gia tại 4 châu lục, trong đó có 50 quốc gia xuất khẩu cà phê. Cà phê là một trong những hàng hóa hàng đầu trong thương mại quốc tế, hiện đang đem lại doanh thu trên 10 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho các nước sản xuất và tạo việc làm cho khoảng 20 triệu người trồng, chế biến và phân phối cà phê trên khắp thế giới. Đối với nhiều quốc gia ở Nam và Trung Mỹ bao gồm Colombia, El Salvador và nhiều quốc gia châu Phi bao gồm Uganda, Burundi, Rwanda và Ethiopia thì cà phê là nguồn ngoại hối chính của các nước này.

  1. Nguồn gốc cây cà phê

1.1. Nguồn gốc cây cà phê chè

Cà phê chè (Coffea Arabica L.) là cà phê thương mại chính có nguồn gốc ở vùng núi cao của Ethiopia và cao nguyên Boma của Sudan. Cả hai vùng này, rừng cà phê vẫn tồn tại ở độ cao 1370-1830 m (4500-6000 ft) giữa 7 và 9 độ vĩ bắc. Hiện nay ở Ethiopia vẫn còn Khoảng 400.000 ha rừng cà phê.

Theo Smith (1987) thì vào năm 850 sau công nguyên, cây cà phê chè được phát hiện đầu tiên tại Ethiopia sau đó được đem trồng ở các thuộc địa Ả rập. Từ đây được tiếp tục mở rộng sang vùng Mecca rồi sau đó lại được đem trở về trồng ở chính quê hương là Ethiopia.

Mặc dầu vùng Sudan và Ethiopia là trung tâm nguyên thủy của loài cà phê chè nhưng chỉ mới được biết đến trong những cuộc điều tra gần đây. Charrier (1982) cho rằng sự phát triển nghề trồng cà phê trong thế kỷ thứ 18 được bắt nguồn từ những cây cà phê chè có ở Yemen, do vậy Yemen còn được coi là trung tâm khởi nguyên thứ hai của cây cà phê chè. Từ đây cây cà phê chè được đem sang trồng ở Ả rập, thuộc địa của Harar rồi tới Mecca và các vùng khác trên thế giới theo bước chân của những người hành hương, truyền đạo. Tuy nhiên lịch sử quá trình truyền bá của cây cà phê chè từ Ethiopia sang Yemen vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ. Charrier (1982) đã tóm tắt lịch sử quá trình phát tán của cây cà phê chè từ Yemen đến các nước châu Á, châu Mỹ và châu Phi như sau: vào khoảng thế kỷ 17 được dòng người Đông Ấn đem từ Yemen đến Ấn Độ và Indonesia. Từ đảo Java của Indonesia cây cà phê chè lại được đem về trồng tại vườn thực vật Amsterdam của Hà Lan và vườn của hoàng đế Pháp Louis 14. Từ một cây cà phê duy nhất còn sống sót tại vườn thực vật ở Amsterdam được nhân lên và truyền sang các nước thuộc châu Mỹ tạo thành một giống gọi là Typica Cramer (Coffea arabica var. Typica Cramer). Hướng thứ hai là từ Yemen cây cà phê chè được đưa ra trồng ở đảo Bourbon (Reunion) qua cảng Moka vào những năm 1708-1718. Từ đảo Bourbon lại được đem sang trồng ở các nước thuộc châu Mỹ tạo thành giống Bourbon (Coffea arabica var. Bourbon). Ngay trong thế kỷ 18 cả hai giống này đã được trồng hầu hết châu Mỹ. Tại Tanzania cộng đồng người Đức ở Đông Phi đã du nhập các giống cà phê chè từ Indonesia và các cố đạo dòng thánh Saint-Esprit đã truyền nguồn giống Bourbon từ đảo Bourbon về các nước châu Phi. Theo Charrier (1978) thì hầu hết các giống cà phê chè hiện nay đang được trồng trọt trên thế giới đều có nguồn gốc từ một số rất ít cây cà phê ở Yemen, chủ yếu là từ hai nguồn Bourbon và Typica nên nguồn di truyền rất hạn hẹp. Điều đó giải thích cho tính kém chống chịu được đối với các loại sâu bệnh hại và ít thích ứng với những điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

1.2. Nguồn gốc cây cà phê vối

            Cà phê vối (Coffea canephora Pierre) có nguồn gốc ở vùng Trung Phi, phân bố rải rác dưới các tán rừng thưa, thấp thuộc vùng châu thổ sông Congo khoảng giữa 10o vĩ bắc và 10o vĩ nam. Mặc dầu cà phê vối mọc hoang dại trong rừng từ Bờ Biển Ngà tới Angola nhưng mãi tới thế kỷ thứ 20 cà phê vối mới được con người trồng ở Tây Phi (Chevalier 1929). Cà phê vối đưa vào trồng ở Bờ Biển Ngà vào khoảng cuối năm 1927. Ngày nay Bờ Biển Ngà là quốc gia sản xuất cà phê vối lớn trên thế giới với sản lượng khoảng 1,5 triệu bao mỗi năm.

Theo Maitland (1926) mãi đến năm 1898 tên cà phê vối Coffea robusta mới được nghe thấy và đó là tên đặc biệt của mẫu vật cà phê được phát hiện ra vào năm 1893 bởi nhà thực vật học người Bỉ có tên là Emil Laurent. Cà phê vối Coffea canephora được mô tả bởi nhà thực vật học người Pháp Pierre vào năm 1897, chúng được thu thập bởi Klaine ở Gabon. Vật liệu trồng được lấy từ Congo đem tới Bỉ. Trong quyển danh mục các cây trồng mới ở các thuộc địa xuất bản năm 1900, Coffea canephora được liệt kê vào Coffea robusta và nó được biết đến trong thương mại như cà phê robusta để phân biệt với arabica.

1.3. Nguồn gốc cây cà phê mít

Cà phê mít (Coffea liberica Bull) có nguồn gốc từ vùng Tây Phi. Đây là loài cà phê mọc hoang dại ở vùng đất thấp được tìm thấy gần Monrovia của Liberia và sau đó được mở rộng ra trồng ở châu Phi. Cà phê mít được nghiên cứu bởi Bull một người làm vườn ươm tại Chelsea, ông đã mô tả và đặt tên cho loài cà phê này vào năm 1874. Cà phê mít C. Liberica  được đặt tên để phân biệt loài cà phê này với các loài cà phê khác trong buôn bán thương mại.

  1. Lịch sử phát triển của cây cà phê

2.1. Lịch sử phát triển của cây cà phê trên thế giới

            Lịch sử phát triển cây cà phê trên thế giới đầu tiên là phải nói đến kỹ năng trồng trọt của người Hà Lan, họ đã đem hạt cà phê từ Yêmen tới Amsterdam để trồng. Tại đây người Hà Lan đã thành công trong việc trồng cà phê để lấy hạt, rồi từ đó đem đi trồng ở các thuộc địa của họ. Trong những năm đầu của thế kỷ 18, các tín đồ công giáo đã phân phát hạt cà phê tới châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh. Con đường phát tán hạt cà phê do con người di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác có thể thấy như sau:

            Cà phê chè có nguồn gốc ở Ethiopia và được trồng ở Yêmen trong khoảng thế kỷ thứ 14. Từ Yêmen cà phê được mang sang đảo Java của Indonesia trồng năm 1690. Từ đảo Java cây cà phê chè được đem đến trồng tại Amsterdam (Hà Lan) năm 1706 và sang Trung Mỹ và Colombia năm 1724. Từ Yêmen cà phê được mang đến Braxin (Nam Mỹ) năm 1715. Từ Java cà phê chè được mang đến trồng tại Papua Newguine năm 1700.

            Cà phê vối có nguồn gốc ở Trung Phi nhưng được trồng ở Tây Phi trong thế kỷ thứ 19. Từ Tây Phi và Madagasca, cà phê vối được đưa sang Nam Mỹ và Amsterdam vào năm 1899. Sau đó từ Amsterdam đưa sang Java (Indonesia) vào năm 1900. Từ Java cà phê vối lại trở về châu Phi vào năm 1912.

Lịch sử phát triển cây cà phê ở một số quốc gia sản xuất chính:

Braxin: Sau khi cà phê được đưa vào trồng đầu thế kỷ 18, Braxin nhanh chóng trở thành quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất trên thế giới mà chủ yếu là cà phê chè với các giống như: Bourbon, Typica, Caturra, Mundo Novo,… Cà phế vối chiếm một diện tích nhỏ hơn. Theo Cheney (1925) cà phê được đưa vào Rio de Janeiro bởi tu sĩ người Bỉ có tên là Molke, ban đầu trồng một vài cây cà phê trong vườn của Tu viện Capuchin ở Adjuda vào năm 1774, mà bây giờ là trung tâm của Rio de Janeiro. Từ những cây này ông ta lập nên một trang trại gần đó. Giám mục của Rio là Joachim Bruner đã phân phát hạt giống và cây giống cà phê từ trang trại của Molke đến các tổ chức tôn giáo trong cả nước, mãi đến năm 1800 cà phê của Braxin mới mắt đầu xuất khẩu được 13 bao (mỗi bao 60 kg). Cà phê được trồng tại Braxin từ trước năm 1774, nhưng năm 1774 cà phê mới được trồng tại Rio. Cho đến cuối thế kỷ 19 tỉnh Rio de Janeiro vẫn là nơi sản xuất cà phê chính của Braxin. Hiện nay Braxin là nước sản xuất cà phê chè lớn nhất trên thế giới với sản lượng hàng năm trên 40 triệu bao (tương đương 2,4 triệu tấn), cà phê vối đứng thứ hai trên thế giới, khoảng 14 triệu bao (tương đương 840 ngàn tấn).

Indonexia: Cà phê chè được trồng tại Java (indonexia) vào năm 1690 bởi người Hà Lan. Cho đến thập niên 1880-1890 diện tích cà phê chè tại Indonexia giảm xuống rất nhanh do bệnh gỉ sắt tấn công. Như vậy cũng tại thời điểm đó các diện tích cà phê chè phần lớn được thay thế bằng cà phê vối và cà phê mít. Hiện nay Indonexia là nước sản xuất cà phê vối đứng thứ ba trên thế giới với sản lượng hàng năm khoảng 10 triệu bao (tương đương 600 ngàn tấn). Cà phê chè tập trung ở vùng phía bắc Sumatra do đất đai bằng phẳng và điều kiện thời tiết thuận lợi nên sản lượng cũng khá cao. Vụ năm 2016/2017, sản lượng cà phè chè của Indonexia đạt 1,3 triệu bao (tương đương 78 ngàn tấn).

Ấn Độ: Cà phê chè đưa vào Ấn Độ năm 1670 từ Yêmen bởi người Pháp. Nhưng mãi đến thập niên 1820 cà phê mới được người dân trồng trọt. Cà phê chè trồng trong giai đoạn đó gặp nhiều khó khăn do bệnh gỉ sắt tấn công nên diện tích bị giảm sút. Đến năm 1920 Ấn Độ nghiên cứu thành công giống cà phê có tên là Kent kháng cao với bệnh gỉ sắt. Cùng với cà phê chè thì cà phê vối cũng là loài quan trọng được trồng nhiều ở Ấn Độ với mục đích thương mại. Hiện nay Ấn Độ là nước sản xuất cà phê vối đứng thứ tư trên thế giới, với sản lượng hàng năm khoảng 3,7 triệu bao (tương đương 222 ngàn tấn), cà phê chè khoảng 1,6 triệu bao (tương đương 96 ngàn tấn).

Colombia: Cà phê đưa đến Colombia vào đầu thế kỷ 19 bởi người Pháp. Colombica chủ yếu trồng cà phê chè. Hiện nay Colombia là nước sản xuất cà phê chè đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Braxin với sản lượng hàng năm khoảng 13 triệu bao (tương đương 780 ngàn tấn).

Ethiopia: Ethiopia được biết đến là nguồn gốc của cây cà phê chè mọc hoang dại trong rừng trước khi được phát hiện bởi con người vào thế kỷ thứ 10. Cà phê chè được trồng chủ yếu ở cao nguyên Kaffa và Buno của Ethiopia. Hiện tại Ethiopia có khoảng 400 ngàn ha cà phê chè với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 6,5 triệu bao (tương đương 390 ngàn tấn).

Bờ biền Ngà: Cà phê vối được trồng ở Bờ biển Ngà vào năm 1930 bởi người Pháp. Hiện nay Bờ biển Ngà là quốc gia sản xuất cà phê vối lớn trên thế giới với sản lượng hàng năm khoảng 1,5 triệu bao (tương đương 90 ngàn tấn).

Mexicô: Cà phê được trồng ở Mexico vào cuối thế kỷ 18, ngày nay cà phê chè là sản phẩm xuất khẩu chính của Mexixo với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 3,2 triệu bao (tương đương 192 ngàn tấn).

Guatemala: Cây cà phê đưa vào Guatemala năm 1750 nhưng đến năm 1850 nó mới bắt đầu được trồng trọt. Guatemala chủ yếu trồng cà phê chè với sản lượng hàng năm khoảng 3 triệu bao (tương đương 180 ngàn tấn).

Costa Rica: Cà phê được trồng ở Costa Rica vào cuối thập niên 1700. Costa Rica chủ yếu trồng cà phê chè bao gồm các giống như Mundo Novo, Caturra và Catuai. Hiện nay Costa Rica cũng là quốc gia sản xuất cà phê chè lớn trên thế giới với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 1,4 triệu bao (tương đương 84 ngàn tấn).

Hình 1: BẢN ĐỒ CÁC VÙNG TRỒNG CÀ PHÊ TRÊN THẾ GIỚI

r: Cà phê vối (Robusta)

a: Cà phê chè (Arabica)

                    m: Cả hai loại (Arabica & Robusta)

2.2. Lịch sử phát triển của cây cà phê ở Việt Nam

            Cây cà phê được đưa vào Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Nó được trồng rộng rãi trong các đồn điền vào đầu thế kỷ thứ 20. Lúc đó người ta trồng cả 3 loại cà phê là cà phê chè, cà phê vối và cà phê mít. Năm 1930 diện tích cà phê ở Việt Nam có 5.900 ha, trong đó có 4.700 ha cà phê chè, 300 ha cà phê vối và 900 ha cà phê mít.

Qua nhiều năm trồng cà phê, kết quả cho thấy cà phê chè (arabica) không cho kết quả mong muốn vì cà phê bị sâu đục thân (Xylotrechus quadripes) và nấm gỉ sắt (Hemileia vastatrix) phá hoại. Cà phê vối (robusta) thì không phát triển tốt ở miền Bắc do có mùa đông nhiệt độ quá thấp so với yêu cầu sinh thái của cây này. Chỉ có cà phê mít (excelsa) sinh trưởng khỏe, cho năng suất khá, song giá trị thương phẩm lại thấp. Và lúc đó chuyên gia nước ngoài đã khuyến cáo không nên trồng cà phê chè ở Việt Nam và chỉ trồng cà phê vối ở phía nam và cà phê mít ở phía bắc (Chatot – Cây cà phê ở Đông Dương, 1940).

Vào những năm 1960-1970 ở miền Bắc Việt Nam, hàng loạt nông trường quốc doanh được thành lập, trong đó có hàng chục nông trường trồng cà phê, và trồng cả 3 loại là cà phê chè, cà phê vối và cà phê mít. Tình hình phát triển của cà phê những năm này cũng không mấy khả quan và đến đầu thập niên 70 người ta đã kết luận không trồng được cà phê ở phía bắc.

Cho đến năm 1975 cả nước trên hai miền nam bắc mới chỉ có khoảng 13.000 ha cà phê với sản lượng khoảng 6.000 tấn. Và cũng từ sau năm 1975 ngành cà phê Việt Nam mới đi vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Năm 1980 một chương trình phát triển cà phê ở Việt Nam do Công ty cà phê ca cao thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) xây dựng trình lên Thường trực Hội đồng Bộ trưởng và được cho phép thực hiện. Tiếp đó là hàng loạt các hiệp định hợp tác sản xuất cà phê được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và Liên Xô (trồng mới 20.000 ha cà phê), Cộng hòa Dân chủ Đức (10.000 ha), Bungary (5.000 ha), Tiệp Khắc (5.000 ha) và Ba Lan (5.000 ha).

Năm 1982 Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam được thành lập theo Nghị định 174 của Hội đồng Bộ trưởng với sự tham gia của 3 sư đoàn quân đội và một số công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và các địa phương của Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum. Chương trình phát triển cà phê được mở rộng trên các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Loại cà phê được chọn để mở rộng diện tích là cà phê vối, đây là giống cà phê ưa điều kiện khí hậu nóng ẩm và nhất là ít bị tác hại của bệnh gỉ sắt.

Năm 1986 Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam được sự hỗ trợ của các Bộ như: Nông nghiệp, Kế hoạch, Tài chính, Ngoại thương… đã tổ chức Hội nghị phát triển cà phê trong các hộ gia đình nông dân ở Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung và Đông Nam Bộ, gọi là Hội nghị cà phê nhân dân lần thứ nhất. Cùng với chính sách mới và có sự kích thích mạnh mẽ của giá cà phê trên thị trường quốc tế đang lên cao lúc đó, nên ngành cà phê Việt Nam đã phát triển nhanh và mạnh hơn.

Cho đến năm 2000 diện tích cà phê của cả nước đã lên tới nửa triệu ha với sản lượng hàng năm trên 80 vạn tấn.

Giống cà phê được trồng theo chương trình 1980 là cà phê vối vì trong thời gian này bệnh gỉ sắt vẫn còn là mối đe dọa nghiêm trọng cho cà phê chè.

Cho đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20 ngành cà phê Việt Nam mới đưa giống cà phê Catimor của loài cà phê arabica vào sản xuất. Từ đó cà phê arabica bắt đầu được trồng ở Việt Nam với giống chống bệnh gỉ sắt Catimor. Đó cũng là cơ sở để Tổng công ty cà phê Việt Nam xây dựng chương trình phát triển cà phê arabica ở Việt Nam.

            Lịch sử của cây cà phê của Việt Nam đã tăng với tốc độ rất nhanh kể từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ở thời điểm này diện tích cà phê của cả nước chỉ có 13.400 ha, sản lượng 6.100 tấn. Sau hơn 40 năm phát triển đến nay cả nước có trên 645.000 ha, sản lượng trung bình khoảng 1,4 triệu tấn.

 

 

Bảng 1: Diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam qua các thời kỳ

NămDiện tích (ha)Sản lượng (tấn)Xuất khẩu (tấn)
197513.4006.100 
198022.50018.388 
198544.65812.340 
1990119.31464.101 
1995175.000240.000233.000
2000561.900802.500733.940
2005491.400767.700892.000
2010508.5001.120.0001.184.000
2015643.3001.452.0001.342.000
2016645.4001.470.0001.792.000

Nguồn: Cục Trồng trọt, 2016

Năng suất cà phê Việt Nam đã tăng đáng kế trong 10 năm trở lại đây. Năm 2005 năng suất cà phê trung bình chỉ 16,0 tạ/ha thì đến nay năng suất trung bình đạt 24,5 tạ/ha. Năng suất cao đóng vai trò quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng cà phê Việt Nam trên thế giới.

Chất lượng cà phê nước ta cũng được nâng lên nhờ diện tích trồng các giống mới tăng, canh tác theo quy trình nông nghiệp tốt. Đến nay cả nước có trên 197 ngàn ha thực hiện UTZ, 60 ngàn ha thực hiện 4C và 40 ngàn ha thực hiện Rainforest với sản lượng trên 600 ngàn tấn cà phê nhân được chứng nhận.

Xuất khẩu cà phê cũng tăng mạnh từ năm 1995 trở lại đây. Năm 1995 xuất khẩu được 233 ngàn tấn thì năm 2016 xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn, tăng 7,7 lần so với 1995 và tăng 2 lần so với năm 2005, cà phê trở thành nông sản có kim ngạch xuất khẩu đứng hàng đầu của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đoàn Triệu Nhạn, 1999. Cây cà phê ở Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
  2. Phan Quốc Sủng, 2011. Những nội dung khoa học kỹ thuật có quan hệ đến sản xuất cà phê đạt hiệu quả cao và bền vững. Nhà xuất bản Nông nghiệp 2011.
  3. Coffee: Growing, Processing, Subtainable Production, 2014. Jean Nicolas Wintgent, Sponsored by Nestlé.
  4. Coffee Botany, Biochemistry and production of Beans and Beverage. Edited by M.N.CLIFFORD and K.C.WILLSON.
  5. Coffee, Gordon Wrigley AICTA, 1988

(Nguồn: http://wasi.org.vn/)

Tags: