(0262) 3832809
(0262) 3862194

KẾT QUẢ MÔ HÌNH CANH TÁC GIỐNG CÀ PHÊ VỐI CHÍN MUỘN TR14, TR15 THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TẠI CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ 716, ĐẮK LẮK

08/10/2021

KẾT QUẢ MÔ HÌNH CANH TÁC GIỐNG CÀ PHÊ VỐI CHÍN MUỘN TR14, TR15 THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TẠI CÔNG TY TNHH MTV CÀ PHÊ 716, ĐẮK LẮK

Bùi Ngọc Thơ; Đào Hữu Hiền; Trần Anh Hùng

Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat.

 

         Mô hình canh tác giống cà phê vối chín muộn TR14 và TR15 được triển khai tại Công ty TNHH MTV Cà phê 716 từ năm 2018, với diện tích 10 ha. Các giống chín muộn TR14 và TR15 được Viện KHKT NLN Tây Nguyên chọn lọc và chuyển giao để xây dựng các mô hình, nội dung này thuộc dự án sản xuất thử “Sản xuất hạt giống, cây giống cà phê chất lượng cao, phục vụ trồng mới và trồng tái canh cà phê tại các vùng trọng điểm, tập trung”. Đến cuối năm 2020, sau 28 tháng trồng mô hình các giống cà phê vối chín muộn đã cho thu hoạch, năng suất  vụ thu bói vào năm 2020 đạt gần 1,0 tấn nhân/ha. Ngoài ra, mô hình này còn tiết kiệm được 1 đợt tưới so với các giống đang được trồng phổ biến hiện nay.

 

Hiện nay, điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, mực nước ngầm ngày càng cạn kiệt đã ảnh hưởng không tốt đến quá trình sản xuất Nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên. Cà phê là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, do đó cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của điều kiện khí hậu thay đổi cực đoan. Do đó việc sử dụng các giống cà phê mới có năng suất cao, chất lượng tốt đồng thời thích ứng với sự thay đổi thất thường của khí hậu góp phần vào việc phát triển cà phê có hiệu quả một cách bền vững. Vì vậy sử dụng các giống cà phê vối chín muộn như TR14, TR15 sẽ là xu hướng tất yếu vì làm giảm số lần tưới nước trong mùa khô. Thời điểm chín muộn sẽ góp phần vào việc bố trí cơ cấu giống rãi vụ để giảm áp lực công lao động, sân phơi. Kết quả bước đầu của Mô hình thuộc Dự án là cơ sở để phát triển và nhân rộng giống cà phê chín muộn (TR14 và TR15) năng suất, chất lượng cao ở những vùng khí hậu phù hợp; thích hợp với điều kiện hạn chế về nước tưới, mùa khô đến trễ (tháng 12 đến tháng 5 năm sau), mùa mưa kéo dài đến cuối tháng 11 (khó thu hoạch, phơi khô đối với các giống cà phê có thời gian chín sớm, trung bình).

Giống chín muộn TR14 và TR15 là các dòng vô tính được nhân giống bằng phương pháp vô tính. Thời gian tăng trưởng quả và quá trình tích lũy chất khô trong hạt kéo dài nên chất lượng thử nếm tốt hơn so với một số giống được trồng phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, các giống có thời gian chín khá tập trung và rơi vào giai đoạn mùa khô nên rất thuận tiện cho việc thu hoạch và chế biến, góp phần làm tăng chất lượng sản phẩm đáng kể. Vào giai đoạn kinh doanh năng suất của dòng cà phê vối chín muộn TR14 và TR15 đạt trung bình trên 5 tấn nhân/ha và có khối lượng 100 nhân đạt trên 18 g; hạt loại R1 đạt trên 90%; Tỷ lệ tươi/nhân thấp từ 4,2 – 4,3 và kháng cao với bệnh gỉ sắt (Theo báo cáo xin công nhận giống TR14 và TR15).

Mô hình canh tác giống cà phê chín muộn TR14, TR15 được triển khai trồng vào năm 2018 tại công ty cà phê 716. Đến năm 2020, vườn cà phê trong mô hình đã cho thu hoạch vụ bói. Một số chỉ tiêu về năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất của mô hình cà phê chín muộn được thể hiện qua bảng sau:

Các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất vụ bói của mô hình tại Đắk Lắk

STTChỉ tiêu sinh trưởngTR14TR15
1Số cành mang quả (cành)11,59,8
2Số đốt mang quả/cành (đốt)9,87,5
3Số quả /chùm (quả)20,417,8
4Số đốt dự trữ (đốt)14,512,0
5Năng suất thực thu (tấn quả)3,93,5
6Khối lượng 100 nhân (g) (*)20,5 – 22,422,0 – 24,9
7Tỷ lệ hạt trên sàng số 16 (%) (*)95,4 – 97,896,3 – 98,1

(*) : nguồn số liệu trích từ báo cáo xin công nhận giống TR14 và TR15

Giống cà phê vối được trồng đại trà tại địa phương, được nhân bằng phương pháp hữu tính (cây cà phê thực sinh, gieo ươm từ hạt) có khả năng sinh trưởng, phát triển của nó trong những năm đầu phát triển mạnh hơn các giống cà phê ghép. Tuy nhiên không có khả năng cho năng suất sớm như cà phê được trồng bằng cây ghép. Vườn cà phê vối trồng bằng cây ghép cho năng suất cao và sớm nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh hơn vườn trồng bằng cây thực sinh. Đây là một ưu thế của cây giống cà phê vối nhân bằng phương pháp ghép.

Qua các chỉ tiêu trên cho thấy: các giống cà phê chín muộn TR14, TR15 đều sinh trưởng, phát triển xanh tốt phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại huyện Eakar, Đắk Lắk. Với năng suất thu bói của giống TR14 là 3,9 tấn quả tươi/ha, của giống TR15 là 3,5 tấn quả tươi/ha, cho thấy cà phê sau 28 tháng trồng đã thu bói trung bình gần 1 tấn nhân/ha là khá cao. Những năm tiếp theo vào giai đoạn kinh doanh, với khả năng sinh trưởng khỏe và thích ứng tốt tại vùng trồng, chắc chắn năng suất các giống cà phê chín muộn sẽ khá cao và tiềm năng đạt trên 5 tấn nhân/ha.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ MÔ HÌNH

Ảnh 1: Cây cà phê vối chín muộn 18 tháng tuổi tại Đăk Lăk

Ảnh 2: Mô hình canh tác giống cà phê TR14, TR15 theo hướng bền vững (12 tháng)

Ảnh 3: Tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc giống cà phê chín muộn

 

Tags: , , , , , , , , , , , , , , , ,